Với đặc điểm thời tiết nắng nóng và tình trạng tắc đường ngày càng gia tăng tại nhiều thành phố ở Đông Nam Á, dịch vụ giao đồ ăn tận nhà đã có cơ hội tăng trưởng nhanh chóng. Cụ thể Indonesia tăng 13 lần, Philippines tăng 9 lần và Thái Lan là 8 lần từ năm 2015 đến năm 2019 (Theo số liệu của Google Trends).
Tại Việt Nam, theo kết quả nghiên cứu mới được Công ty nghiên cứu thị trường GCOMM công bố, tần suất sử dụng các dịch vụ đặt món trực tuyến của người dân đô thị khá cao. Cụ thể, 99% người tham gia khảo sát cho biết sử dụng các dịch vụ đặt thức ăn trực tuyến ít nhất 2-3 lần/tháng. Đáng chú ý, có đến 39% người tham gia khảo sát đặt món thông qua ứng dụng 2-3 lần/tuần. Đáng chú ý hơn, thị trường đã bắt đầu hình thành một nhóm khách hàng có thói quen sử dụng ứng dụng trên điện thoại di động để đặt thức ăn hầu như mỗi ngày. Con số này mới chỉ chiếm 1% thị trường nhưng đang có xu hướng gia tăng đáng kể.

Chị Dương Thúy Quỳnh (ở phố Lò Đúc, quận Hai Bà Trưng) kể rằng, trước đây vẫn thường mang cơm trưa từ nhà đến chỗ làm. Tuy nhiên, thời gian gần đây, chị chuyển sang lựa chọn hình thức giao đồ ăn trực tuyến trên các ứng dụng như Now, GrabFood, Go Food… Chị chia sẻ: “Thời tiết mùa hè nắng nóng, ai cũng ngại phải đi ra ngoài ăn trưa. Mang đồ ăn đi thì lích kích. Từ khi cài đặt ứng dụng giao đồ ăn trực tuyến, tôi cùng đồng nghiệp thường lựa chọn sử dụng hình thức này. Trên các ứng dụng, mạng lưới hàng quán khá rộng và đầy đủ, phong phú, đáp ứng mọi yêu cầu của khách hàng. Đồng thời, lại hay có các chương trình khuyến mãi cho nên giá cũng hợp lý”.
Giống như chị Thúy Quỳnh, việc đặt đồ ăn trực tuyến giao đến tận nơi đã trở thành thói quen, phong cách tiêu dùng của một bộ phận người dân Hà Nội, nhất là giới trẻ.
Tại sao dịch vụ giao đồ ăn tận nhà được Thế giới nói chung và người Việt nói riêng ngày càng sử dụng nhiều?

Trước hết là do lối sống hiện đại và bận rộn. Không khó để hiểu khi người tiêu dùng trẻ tuổi dễ dàng ủng hộ dịch vụ giao đồ ăn nhanh. Với các app giao đồ ăn trên điện thoại, các vấn đề như ăn gì, ở đâu cũng như cách thức trả tiền, giao nhận hàng với người dùng trở nên đơn giản. Các dịch vụ này luôn sẵn sàng 24/7 và người tiêu dùng có thể đặt đồ ăn bất cứ khi nào, ngay cả trong thời điểm lễ tết.
Thứ hai, đó là sự tiện lợi và đa dạng trong lựa chọn khi có nhiều nhà hàng và nhiều chủng loại thực phẩm khác nhau được liệt kê trên ứng dụng. Ngoài ra, những app này còn phân chia nhà hàng và món ăn theo nhu cầu ăn uống, thực đơn yêu thích hay gợi ý các địa điểm gần nhất, khiến cho quyết định đặt hàng trở nên nhanh chóng hơn.
Thứ ba, là sự cuốn hút của các chiến dịch ưu đãi của các quán ăn hay các ứng dụng. Hoạt động này không chỉ thúc đẩy người dùng sử dụng dịch vụ mà còn giúp các nhà hàng phát triển.
Về phía các nhà hàng…
Đối với các nhà hàng, quán ăn, dịch vụ giao đồ ăn tận nhà đã đem lại thêm doanh thu đáng kể, thậm chí là gấp 2-3 lần trước kia. Anh Mai Hùng Sơn, chủ quán cà-phê Mucas (ngõ 29 Nguyễn Chí Thanh, quận Đống Đa) cho biết: “Dù các ứng dụng gọi món trực tuyến thường lấy chiết khấu khá cao, từ 15 đến 25% nhưng bù lại, số lượng hàng bán được từ ứng dụng này cũng tăng từ 20 đến 50% so với kinh doanh thông thường.”
Với nhiều cửa hàng bị hạn chế về mặt bằng, vị trí, nhân lực, thì đây là giải pháp vô cùng hiệu quả. Thậm chí, sau khi các app giao đồ ăn xuất hiện rầm rộ, trên thị trường đã mọc ra rất nhiều “nhà hàng online” – chỉ cung cấp đồ ăn để giao mang đi.

Bên cạnh đó, việc xuất hiện trên các ứng dụng giao đồ ăn trực tuyến cũng là cách các nhà hàng quảng bá thương hiệu. Các nhà hàng này sẽ được truyền thông hình ảnh và tiếp cận đối tượng khách hàng tiềm năng một cách chính xác và hiệu quả nhất.
Vào những ngày thời tiết gây cản trở khách hàng ra đường, như nắng nóng hoặc mưa gió, hoặc những ngày có chương trình khuyến mãi, số lượng suất ăn được đặt hàng trực tuyến đều cao hơn số lượng khách hàng đến trực tiếp cửa hàng.
Không chỉ đem lại doanh thu vượt trội cho các nhà hàng, những tài xế, shipper công nghệ cũng tăng thêm được thu nhập khi chuyển sang giao đồ ăn vào các cung giờ buổi trưa, chiều tối. Bên cạnh đó, việc các ứng dụng triển khai kèm theo các hình thức ví điện tử, thanh toán trực tuyến cũng góp phần hạn chế các giao dịch sử dụng tiền mặt.
Quan sát thị trường qua con mắt của chuyên gia…

Theo các chuyên gia kinh tế, dịch vụ gọi món ăn trực tuyến đang được xem là mảnh đất màu mỡ. Tốc độ tăng trưởng bình quân đạt khoảng 11% mỗi năm. Tuy nhiên, hiện một số ứng dụng phổ biến đều nằm trong tay các doanh nghiệp nước ngoài (GrabFood của Malaysia, Now.vn của Singapore, Baemin của Hàn Quốc, Go-Food của Indonesia,…). Một số ứng dụng của các doanh nghiệp trong nước hiện chưa có sức cạnh tranh và chỉ chiếm thị phần rất nhỏ so với những ứng dụng này.
Tuy phát triển nhanh chóng nhưng thực tế, dịch vụ giao đồ ăn tận nhà vẫn còn nhiều bất cập. Không ít trường hợp khách hàng phàn nàn vì món ăn được giao đến chậm, đóng gói không cẩn thận hay đồ ăn không được như mong đợi. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng cần có ý thức, nghiêm túc khi trải nghiệm các ứng dụng này. Không ít trường hợp, tài xế bị boom hàng, có khi lên tới cả triệu đồng. Nói chung, để dịch vụ giao đồ ăn trực tuyến góp phần làm cho chất lượng cuộc sống của chúng ta tốt hơn đồng thời tạo công ăn việc làm cho một số lượng lớn lao động, cả người cung cấp dịch vụ và người sử dụng dịch vụ cần có ý thức xã hội hơn.
Xem thêm: Giao đồ ăn khuya tận nhà tphcm và 8 món ngon hết sảy