Người ta hay nói: “Cái nghề, cái nghiệp”. Đúng là nghề nào cũng có những nỗi vất vả riêng. Nhưng những nghề làm đêm lại luôn nhận được sự thương xót của người ngoài, vì nó vất vả hơn nhiều. Thời tiết, đêm tối, lại còn sự nguy hiểm,… rất cực khổ. Sau đây, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về nỗi vất vả của một người shipper giao đồ ăn khuya Sài Gòn để hiểu hơn về họ nhé!

Một mình một xe giữa đêm hôm khuya khoắt, bao nhiêu rủi ro có thể gặp phải, có lạc đường cũng tìm kiếm “mỏi mắt” mới có người để hỏi, đang di chuyển thì mưa gió bất ngờ, hay hỏng xe giữa đêm thì chẳng biết kêu ai… Đây chỉ là một số nhỏ những khó khăn mà các shipper giao đồ ăn khuya Sài Gòn gặp phải.
Để phục vụ nhu cầu của những chiếc bụng hay đói thường xuyên thức khuya, dịch vụ “ship” (giao) đồ ăn đêm đã ra đời và ngày càng phát triển. Đảm đương công việc giao đồ ăn đêm hiện nay chủ yếu là sinh viên và những người có điều kiện kinh tế không mấy khá giả.
Nghề “lọ mọ” đêm hôm
Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện ngắn với anh Quang, anh là một shipper của một ứng dụng giao đồ ăn tận nơi. Anh cho biết mình chuyên giao đồ ăn đêm tại khu vực Quận 1. Theo anh, cảm giác của việc giao hàng ban ngày và ban đêm vẫn hoàn toàn khác biệt: “Ship ban ngày có cảm giác an toàn hơn, còn ship ban đêm thì toàn ra đường vào lúc tối muộn hoặc đêm khuya. Lần đầu đi giao hàng sợ lắm, dần dần rồi cũng quen”.
Thời điểm muộn nhất mà anh Quang từng thực hiện việc ship đồ ăn đó là 3h sáng. Anh chia sẻ, đối tượng khách hàng gọi đồ ăn trong thời điểm ấy thường là những game thủ túc trực khuya ở các quán game. Suất ăn của những vị khách này thường gồm mì xào, khoai tây chiên và một lon nước ngọt.

Đường phố Sài Gòn vốn đã lắm ngõ ngách, việc tìm đúng địa điểm vào ban ngày vốn đã rất khó khăn chứ chưa nói đến thời điểm ban đêm khi mà đường phố đã tối om, tĩnh lặng. Anh Quang tâm sự: “Phải đưa đồ đến những nơi ngõ ngách vốn là chuyện thường gặp. Có những địa chỉ đánh số lung tung nên đâm hết ngách nọ ngách kia mà địa chỉ khách gọi vẫn chưa thấy đâu”.
Anh Quang cũng chia sẻ, đi đêm muộn có thể gặp phải những rắc rối khác trên đường như: Va quệt, xô xát, cướp giật, đua xe… Anh nói, bình thường mình cũng là một tay khá gan dạ, nhưng nếu chẳng may đi ship đêm, một thân một mình mà có nguy cơ đụng độ với những đối tượng “khả nghi” trên đường, thì tốt nhất nên “lượn” sớm và tránh va chạm”.
Những lần lạc đường nhớ đời

Tùng là sinh viên một trường Đại học ở thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời cũng là một shipper hay đi giao đồ ăn khuya Sài Gòn. Bạn kể, có lần, anh phải ship đồ cho một vị khách tận gần khu Cầu Sáng vào lúc nửa đêm. Đoạn đường này cậu ấy rất ít qua lại nên không am hiểu nhiều. Địa điểm này lại mới nên bản đồ định vị trên điện thoại chưa cập nhật được, cậu ấy đành vừa đi vừa hỏi đường.
Nhưng khổ nỗi là đêm khuya, đường vắng nên cứ đi tầm 1km mới gặp được một người đi đường để hỏi. Hai người đầu tiên cũng không nắm rõ đường, còn chỉ nhầm đường khiến anh đi lạc mất gần 5km. May mắn là người thứ ba là dân ở khu vực đấy nên đã chỉ đúng đường cho Tùng. Cuối cùng, cậu ấy đến được địa chỉ cần tìm sau gần 1 tiếng loanh quanh khu vực này.
“Một lần khác, giao đồ cho khách ở khu đô thị Him Lam Tân Hưng. Ở đây có nhiều địa chỉ trùng nhau nhưng khác khu nên dễ nhầm lẫn. Giao đến nơi người ta bảo không phải họ order, gọi điện cho khách thì lại không bắt máy. Mình tưởng bị khách đặt đơn ảo, đang tính “thanh lý” chỗ đồ ăn kia thì vị khách ấy gọi lại. Thì ra, do mình đến nhầm địa chỉ, tí nữa thì mắng oan cho khách” – Tùng vừa nhớ lại vừa cười.
Và không thiếu những trải nghiệm đặc biệt…
Chiếc điện thoại của người bình thường vốn dĩ đã rất quan trọng rồi. Chiếc điện thoại của shipper còn được coi là vật bất ly thân. Bởi đó là phương tiện kết nối duy nhất giữa shipper với khách hàng. Với những shipper không thông thuộc địa hình đường xá cho lắm, thì đây còn là công cụ để định vị và chỉ đường.

Tùng còn chia sẻ một kỷ niệm đáng nhớ, liên quan đến chiếc điện thoại: “Hôm đó trời mưa to, đồ ăn lại nhiều, đi thôi đã cực rồi. Vì chủ quan nên mình không chú ý đến tình trạng chiếc điện thoại của mình.
Đến nơi, rút điện thoại ra gọi cho khách xuống nhận đồ thì chiếc điện thoại đã “hấp hối”, sắp cạn pin. May mắn là vừa gọi xong cú điện thoại cho khách thì máy… sập nguồn.
Bình thường, mình cũng cẩn thận, kiểm tra kỹ trước pin điện thoại và tiền lẻ để trả lại cho khách lúc đi giao đồ ăn khuya lắm, vì việc này vô cùng quan trọng. Thế mà tự dưng lần đó lại sơ ý đến vậy. Tí nữa thì rắc rối to rồi.” – Tùng nhớ lại.
Khi được hỏi yêu cầu của công việc là thức đêm, ngủ ngày liệu có ảnh hưởng đến việc lên lớp và kết quả học hành, Trường và Tùng cùng cười: “Mình phải xem xét rất kỹ rồi mới làm. Vì lịch của mình là học chiều, nên buổi sáng vẫn có thể dành để ngủ nướng và chiều lên lớp bình thường”.
Cả hai người, anh Quang và Tùng đều cho rằng, giao đồ ăn khuya Sài Gòn là công việc vất vả, song nó cũng đem lại những trải nghiệm mới mẻ, thú vị.

Do thường xuyên phải lưu thông trên đường vào ban đêm nên họ cũng rất có ý thức trong việc chuẩn bị kỹ các loại giấy tờ tùy thân: Đăng ký xe, bằng lái, chứng minh thư… và chạy xe với tốc độ vừa phải.
Những shipper này còn khuyên các bạn đang có ý định vào nghề rằng, sức khỏe cũng là một điều đáng lưu ý đối với công việc của một shipper. Vì đi đêm nên các bạn cần chuẩn bị thêm áo khoác phòng khi trời trở lạnh hoặc mang theo những vật dụng phòng thân để bảo vệ bản thân trong các tình huống nguy hiểm, như xịt hơi cay chẳng hạn. Ngoài ra thì giấy tờ tuỳ thân, áo mưa hay sạc dự phòng,… là những thứ không thể thiếu rồi.
Xem thêm: Giao hàng đồ ăn có gì vui? – Tâm sự Shipper