
Câu trả lời cho câu hỏi này rất đơn giản, đó là nếu đôi bên thấy lợi thì hợp tác, không lợi thì thôi. Vậy làm chủ một nhà hàng, cần dựa vào đâu để cân nhắc có nên hợp tác với App giao đồ ăn? Hy vọng bài viết sau sẽ giúp cho các chủ cửa hàng quyết định được hướng đi đúng đắn cho mình, không mất quá nhiều thời gian trong việc sai và thử sai.
1. Ưu điểm khi hợp tác với App giao đồ ăn

Việc hợp tác với các App giao đồ ăn giúp chủ cửa hàng tiết kiệm không chỉ chi phí mà còn tiết kiệm cả thời gian làm việc. Nếu chủ cửa hàng nào tự làm mảng delivery rồi sẽ biết, nếu tự đi giao mình sẽ mất khá nhiều chi phí:
2. Tốn kém chi phí Marketing cho việc giao đồ ăn
Muốn có đơn cho đội ngũ nhân viên đi giao đồ ăn, chi phí Marketing không chỉ dừng lại ở chi phí quảng cáo. Chi phí Marketing bao gồm chi lương thưởng nhân sự, bảo hiểm, ngân sách truyền thông, ngân sách quảng cáo. Nếu phòng Marketing quy mô nhỏ khoảng 2-3 người và chủ cửa hàng tự quản lý, những vấn đề khi làm Marketing có thể kể đến như:
– Phải bỏ thời gian tự tuyển nhân sự, đào tạo, theo dõi. Nếu làm không đạt thì lại phải sa thải và tự làm lại từ đầu.
– Khó tuyển nhân sự đáp ứng yêu cầu chuyên môn, đôi khi phải chấp nhận thực tập sinh, hướng dẫn từ đầu do ngân sách không đủ để tuyển người giỏi.
– Chủ cửa hàng khó quản lý đội Marketing vì chuyên môn không cao
– Phải thực hiện chạy test nhiều lần vì không có dữ liệu khách hàng => vừa tốn tiền vừa tốn thời gian
– Đội Marketing đưa những chỉ số ảo, khách hàng không thấy đâu
– …..

Nếu quyết định thuê ngoài, chủ cửa hàng cũng vướng vào những vấn đề về cam kết chỉ số, chỉ số ảo, không kiểm tra kiểm soát được, mất thời gian chạy test, mất tiền mà không hiệu quả,…. Còn nếu có nhu cầu tuyển 1 đội Marketing khoảng 5-10 người thì mọi chuyện còn phức tạp hơn nữa, việc quản lý khó khăn hơn, xung đột nội bộ, ngân sách quá lớn, hiệu quả không thấy ngay,…. khiến bạn phải suy nghĩ đến việc sử dụng App giao đồ ăn.
3. Tốn kém chi phí vận hành cho việc giao đồ ăn
Khi Marketing đưa khách hàng về, các bộ phận cần có để chăm sóc khách hàng gồm:
– Tổng đài tiếp nhận và xử lý đơn hàng
– Shipper đi giao
Đối với những cửa hàng lớn, họ ít gặp vấn đề với shipper hơn vì họ có lượng đơn hàng ít biến động, nên shipper có việc khách để giao đồ ăn. Các vấn đề như shipper ít việc, chán nản muốn nghỉ việc, cân đối đầu việc giữa các shipper, điều phối hoạt động của shipper để đảm bảo thời gian cho khách,… ít bị gặp phải.

Các cửa hàng nhỏ thì nhiều vấn đề hơn, họ rất đau đầu trong việc trả lương cứng cho shipper, vì thuê về rồi không có đơn thì lãng phí, thuê vừa lương cứng vừa lương theo đơn thì sợ ít đơn, nhân viên nghỉ việc do thu nhập thấp. Vấn đề thời gian giao đồ ăn cho khách cũng phức tạp vì giờ cao điểm sẽ có nhiều đơn đặt hàng. Khó có thể giao hàng cho khách trong thời gian 30 phút (Khoảng thời gian trung bình khách hàng chấp nhận chờ đơn)
Và để có thể có những nhân sự trên và vận hành đội ngũ này, công ty cần thêm nhân sự tuyển dụng, quản lý, tính lương… Tất nhiên đội ngũ này cửa hàng cũng phải chi lương thưởng.
Khi hợp tác với các App giao đồ ăn, App sẽ đem lượng khách hàng đến cho cửa hàng khá nhiều mà không phải mất thêm chi phí nhân sự tiếp nhận & xử lý đơn hàng, nhân viên giao nhận, cũng như là chi phí quảng cáo. Đội ngũ Marketing có thể giảm tải, đội ngũ shipper có thể cắt bỏ hoàn toàn.

4. Nhược điểm khi hợp tác với App giao đồ ăn
Đầu tiên phải kể đến đó là chất lượng sản phẩm của mình đến tay khách hàng không được chất lượng như sử dụng tại cửa hàng. Ví dụ đá tan làm cà phê nhạt đi hoặc đồ ăn/uống nóng sẽ bị nguội đi,… Vấn đề này không phải là không có cách xử lý khi giao đồ ăn, nhưng chủ cửa hàng cần biết để có cách thức xử lý trước khi vấn đề xảy ra.

Thứ hai là vấn đề không kiểm soát được dịch vụ giao nhận, thời gian giao nhận hàng, thái độ nhân viên giao nhận,… Điều này thì không cần nói quá nhiều khi rất nhiều vụ việc vì thái độ của nhân viên giao đồ ăn mà thương hiệu cửa hàng hay chính App bị ảnh hưởng.
Thứ ba là vấn đề chiết khấu. Để có được vị trí hiển thị tốt trên các App giao đồ ăn, khiến khách hàng có thể thấy thương hiệu của cửa hàng, cửa hàng phải trả phí hoa hồng (thị trường dao động khoảng 10-20%) và giảm giá khá sâu để được đứng Top. Tuy nhiên, chi phí này có thể coi như chi phí quảng cáo (một phần của chi phí Marketing), thay vì bỏ tiền ra quảng bá để có đơn hàng, mình hợp tác với họ, cả hai cùng có lợi. Chưa kể, trong cuộc chơi chung này, giá cả chung sẽ sớm được định hình do quy luật cung – cầu.

Vấn đề mà cửa hàng cần quan tâm nhất ở đây là ở góc độ khách hàng, khách hàng vẫn nhận được dịch vụ giao đồ ăn tiện lợi với giá cả phải chăng, họ sẽ sử dụng lại dịch vụ của mình. Con số 10-20% là khá hợp lý, vì muốn có đơn hàng mà không bỏ chi phí, điều đó có nghĩa bạn đã bỏ rất rất nhiều chi phí Marketing từ trước đó.
Tuy vậy, vẫn có một số cửa hàng được các App giao đồ ăn tự ý đưa lên. Cửa hàng không chi chiết khấu họ cũng không ép, nhưng họ không đẩy mạnh việc Marketing hay hiển thị. Việc cửa hàng có đơn hay không không phải là vấn đề, nhưng đây vẫn là một cách mà các App giao đồ ăn “dụ dỗ” các cửa hàng. Nếu cửa hàng của bạn làm tốt thì vấn đề chiết khấu với App không phải quá lo nghĩ.

Thứ tư là về vấn đề không gian. Ở tại cửa hàng, đôi khi sẽ xảy ra trường hợp đơn hàng dồn dập, nhân viên shipper đến nhiều quá cũng ảnh hưởng đến không gian trải nghiệm của khách hàng đang sử dụng dịch vụ tại quán. Bên ngoài, việc không có đủ không gian để xe đôi lúc cũng gây xung đột giữa shipper và cửa hàng, điều này có thể ảnh hưởng đến thương hiệu nhà hàng.
Như vậy, có thể thấy khi sử dụng App giao đồ ăn, cửa hàng sẽ phải đứng trước một số rủi ro. Nhưng đổi lại, cửa hàng có thể cắt bỏ hệ thống nhân sự cồng kềnh và rất nhiều vấn đề đi theo, đặc biệt là lương thưởng, quyền lợi và sự quản lý.
Xem thêm: Dịch vụ giao đồ ăn và ý nghĩa với dân văn phòng?